Bắc Giang dựa trên trọng tâm thúc đẩy chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) áp dụng tiêu chuẩn Vietgap, qua đó trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Với những du khách lần đầu được trải nghiệm mô hình du lịch miệt vườn tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới của một vùng cây ăn quả lớn thứ 4 cả nước đang nỗ lực khẳng định thương hiệu nông nghiệp sạch mang tính bền vững của mình.
Bà con nông dân ở đây thay vì sử dụng hóa chất trong nuôi trồng và chăm bón cây, hoàn toàn dùng những chế phẩm sinh học. Chẳng hạn như sử dụng thuốc lá, thuốc lào, ớt để xay thành bột và rắc vào gốc cây phòng trừ sâu bệnh, hay tự chế những chiếc bẫy sinh học để diệt ruồi vàng, sâu hại lá...
Những nhà vườn đáp ứng được tiêu chuẩn này sẽ tham gia vào hệ thống du lịch miệt vườn đang nở rộ tại địa phương những năm gần đây.
Nhà vườn của gia đình chị Phạm Thị Đẽ là một trong những hộ đầu tiên tham gia vào chuỗi hệ thống sinh thái nhà vườn. Với việc áp dụng phương pháp trồng thâm canh hữu cơ, du khách đến vườn có thể an tâm thưởng thức quả ngay tại vườn.
Những năm qua, Chính quyền Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích người nông dân áp dụng những tiêu chuẩn Vietgap và thâm canh hữu cơ theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, góp phần cải thiện diện mạo cuộc sống người dân.
Với những giải pháp căn bản và toàn diện mà chính quyền và người dân Bắc Giang quyết tâm thực hiện, hy vọng trong tương lai không xa, vùng cây ăn quả tập trung của tỉnh sẽ mở ra hướng đi mới, phát triển mô hình du lịch miệt vườn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu đẹp thêm quê hương Bắc Giang.
Anh Vũ – Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.