Video Tin trong nước

Bài toán nào để hạn chế tai nạn giữa đường giao đường sắt - đường bộ

Mặc dù tai nạn giao thông giữa đường ngang đường sắt giao cắt với đường bộ xảy ra ít về số vụ, nhưng hậu quả và tổn thất lại rất lớn so với các tai nạn khác. Một trong những mô hình sau cho thấy hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông cao.
16:30 - 30/11/2021

Nhà ông Vũ Quang Tuấn nằm cạnh gác chắn số 17 thuộc nút giao cắt giữa đường Điện Biên Phủ với đường sắt Hà Nội – Hải Phòng. Là người dân sống ở đây mấy chục năm, ông nhấn mạnh, người dân khu vực này rất yên tâm bởi sự cẩn thận của những người gác ghi, hệ thống biển báo thì đầy đủ, rõ ràng, đặc biệt người dân nơi đây luôn chấp hành nghiêm luật an toàn giao thông.

Còn tại nút giao cắt Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, theo các nhân viên, tuy chỉ cách ga Giáp Bát hơn 1km, nhưng tốc độ tàu đã đạt đến 60km/giờ. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho 40 chuyến tàu mỗi ngày, các nhân viên gác ghi ở đây thay nhau 3 ca, phối hợp đóng chắn nhịp nhàng và theo cả kinh nghiệm bởi đóng sớm sẽ ùn tắc mà chỉ muộn vài giây là tai nạn có thể xảy ra.

Theo Công ty đường sắt Hà Hải, nút giao Hoàng Liệt là nút giao đầu tiên được công ty trang bị đồng bộ tín hiệu. Theo đó, khi nhân viên ấn nút đóng chắn thì toàn bộ đèn tín hiệu giao thông chuyển sang ngay màu đỏ để ưu tiên cho đường sắt. Cùng với đó, là hệ thống camera giám sát từ công ty để hỗ trợ, cảnh báo và giám sát nhân viên gác ghi ở đây.

Trên đây là 2 mô hình nổi bật về đảm bảo an toàn giao thông giữa đường sắt với đường bộ, song như thế là chưa đủ bởi hiện cả nước có đến trên 5.000 nút giao như vậy, thậm chí nhiều nút giao người dân tự mở mà không có bất kì cảnh báo nào. Theo chuyên gia đường sắt đô thị của Nhật, để đảm bảo an toàn cho nút giao đường ngang đường sắt với đường bộ thì Việt Nam cần triển khai ngay hệ thống nút ấn khẩn cấp, lắp đặt gần khu vực giao cắt để người bị mắc kẹt hoặc người qua đường khi phát hiện nguy hiểm tại khu vực giao cắt có thể bấm nút, nhằm thông báo nguy hiểm cho lái tàu.

Bên cạnh các giải pháp trên, thì một phần rất quan trọng là ý thức của người tham gia giao thông, cần hiểu rõ luật, tuân thủ nghiêm luật giao thông đường bộ, đường sắt, bởi đường sắt là ưu tiên số 1, là đường dành riêng. Bên cạnh đó, các địa phương cần đóng các đường ngang dân sinh tự phát, làm đường thu gom cho người dân đi vào các nút giao có rào chắn, chuông cảnh báo tự động để đảm bảo cho các chuyến tàu thông suốt.

Cao Thắng - Trọng Khánh

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.