Bám bản, gieo chữ nơi vùng cao biên giới Sơn La
Hơn 20 năm công tác tại trường tiểu học Chiềng Tương, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cô giáo Nguyễn Thị Nga đã gắn bó với nhiều thế hệ học sinh ở 11/11 điểm trường, kể cả điểm trường xa nhất tới gần 20km. Không ngại khó, ngại khổ, với nhiệt huyết và lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Nga cùng tập thể thầy cô nhà trường cố gắng khắc phục mọi khó khăn, mang con chữ đến với học sinh thân yêu của mình.
Là giáo viên trẻ mới tốt nghiệp ra trường, cô giáo Lê Thị Hồng ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã xung phong lên dạy học tại điểm trường Đin Chí, trường tiểu học Chiềng Tương. Hai năm công tác tại đây cũng là lúc hành trang của bản thân cô có thêm chiếc hộp buộc trên yên xe, chở thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt trong 1 tuần bám bản, bám lớp. Khi mưa lớn, đường bùn lầy lội, các thầy cô phải đi cùng nhau để người này đẩy xe giúp người kia, hoặc nhờ bà con dân bản mới có thể di chuyển được.
Trường tiểu học Chiềng Tương, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La năm học này có gần 600 học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc Mông. Với những khó khăn đặc thù của xã vùng III biên giới, nhà trường đã động viên, hỗ trợ các thầy cô vượt khó khăn bám trường, bám bản, luân phiên giảng dạy ở 11 điểm trường. Đồng thời tích cực vận động, tuyên truyền những người mù chữ và những người chưa đạt chuẩn biết chữ ra lớp. Đến nay nhà trường đã mở được 3 lớp xóa mù chữ với gần 60 học viên tham gia.
Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song các thầy giáo, cô giáo trường tiểu học Chiềng Tương vẫn ngày đêm bám lớp, bám trường, lặng thầm “gieo chữ” nơi vùng biên, mong các em học sinh nơi đây có một tương lai tươi sáng hơn.
Thực hiện: Trấn Long/ VOV Tây Bắc