Làm du lịch cộng đồng đã giúp đã cải thiện được cuộc sống của nhân dân, trở nên ấm no, hạnh phúc. Tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10 vừa qua, bản Sin Suối Hồ được biểu dương là điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế.
Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa là suối có vàng, màu vàng ngày nay của người dân ở nơi đây chính là cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú và đa dạng. Bản Sin Suối Hồ có 123 hộ dân đều là người Mông, dù chỉ mới bắt tay vào làm du lịch được vài năm nhưng nơi đây đã trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu.
So với các khu du lịch khác, mô hình làm du lịch tại Sin Suối Hồ có nhiều điểm mới: Xu hướng dân làm - dân hưởng đem lại động lực phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương; toàn bộ nguồn thực phẩm được sử dụng là thực phẩm sạch, không hóa chất; mô hình du lịch đậm chất văn hóa và thấm đượm bản sắc dân tộc; du lịch gắn liền với tạo sinh kế nông nghiệp cho người dân.
Bên cạnh đồ lưu niệm thông thường, Sin Suối Hồ còn phát triển thêm các sản phẩm đặc trưng như cây cảnh: Địa lan, phong lan, hoa đào và các loại cây ăn quả như mận, đào, táo mèo. Địa lan là loại cây tạo nên điểm nhấn của bản du lịch Sin Suối Hồ, mang lại thu nhập 200 – 300 triệu đồng/hộ/năm. Đến nay 100% hộ trong bản đều trồng địa lan, nhà nào ít thì mấy chục chậu, nhà nào nhiều thì khoảng 500 - 600 chậu. Từ sự thành công của bản Sin Suối Hồ, hiện Lai Châu đã và đang tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Có thể thấy, từ một bản có đông đồng bào dân tộc, gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, thu nhập người dân không cao nhưng khi tìm được hướng đi phù hợp đã làm cho đời sống người dân trở nên ấm no, hạnh phúc. Đây là mô hình cần được nhân rộng, không chỉ trên địa bàn tỉnh Lai Châu mà cần được nhân rộng ở nhiều địa phương khác, đặc biệt là những làng bản vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc./.
Thực hiện: Tiến Dũng, Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.