Đã 75 năm từ ngày bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình trước toàn thế đồng bào. Tiếp sau Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là một bản hùng văn của dân tộc, vừa hào khí tưng bừng, vừa lập luận chặt chẽ, vừa đanh thép về pháp lý quốc tế, vừa nung nấu tình cảm của dân tộc nồng nàn, vừa kế thừa khí phách của cha ông, vừa thâu tóm được tinh thần thời đại.
Bản Tuyên ngôn độc lập đã thể hiện được tinh thần: Không có gì quý hơn độc lập tự do - tư tưởng khái quát của cả phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XX trên toàn thế giới. Thông qua lời tuyên bố đanh thép đó cũng đã khẳng định chủ quyền của đất nước, quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước của con người Việt Nam; là truyền thống hào hùng cho nhân dân ta dựng nước và giữ nước.
Tiến sĩ Chu Đức Tính người đã dành gần cả cuộc đời nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và may mắn được gần gũi tiếp xúc với những kỷ vật về Bác trong suốt những năm tháng gắn bó với công việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong hàng nghìn ký ức và nhân chứng về Người, có những câu chuyện mà ông không thể quên đó là câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.
Di sản của Bác để lại cho nhân loại cũng chính là di sản của dân tộc, cũng như ông Chu Đức Tính, chị Lê Thị Hằng Nga là một thuyết minh viên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, mỗi lần giới thiệu về Bản Tuyên ngôn độc lập cho du khách thập phương đến thăm những kỷ vật về Bác lúc nào cũng đầy ắp sự xúc động, nghẹn ngào.
Thủ đô Hà Nội những ngày này rực rỡ sắc màu của cờ hoa, băng-rôn, khẩu hiệu chào mừng 75 năm Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh. Ngày 2/9 là ngày Tết của cả dân tộc, ngày đất nước ta được khai sinh và chính thức được công nhận trên thế giới. Ý nghĩa, giá trị của ngày lịch sử đó, sẽ không bao giờ đổi thay./.
Thực hiện: Vũ Khuyên – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.