Tham gia cuộc thi, có 8 đội đến từ các xã trên huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Theo qui định của cuộc thi, trong thời gian 30 phút các đội phải hoàn thành phần thi của mình. Bánh dày được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp nương thơm. Sau khi gạo được đồ chín đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc và hương thơm lan tỏa.
Các đội tham gia thi giã bánh dày muốn đoạt giải thì ngoài việc tốc độ giã phải nhanh thì yêu cầu bánh dày phải ngon, đảm bảo cả về hình thức và chất lượng. Đây là nét văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Giã bánh dày là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật.
Theo tiếng Mông, bánh dày có tên gọi là “Pé” hoặc “Dúa” tùy theo từng vùng khác nhau. Với người Kinh, bánh chưng bánh dày là biểu tượng cho tết, cho trái đất và bầu trời vuông tròn đầy đủ. Còn với người Mông, bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông, bánh dày còn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài.
Những chiếc bánh dày khi ăn sẽ được cắt ra thành từng miếng và chấm với mật ong rừng. Vị ngọt của mật ong rừng hòa quyện lẫn với hương vị dẻo thơm của bánh dày Tây Bắc đã tạo nên một hương vị mới lạ, riêng có của núi rừng.
Mời quý vị xem các chương trình đã phát sóng trên Vietnam Journey tại đây./.