Dọc bên đường Quán Gánh (thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) là những cửa hàng bánh dày được bày bán cho người dân và du khách. Cũng bởi thế mà người dân đã gọi món bánh dày nơi đây với thương hiệu bánh dày Quán Gánh.
Loại gạo nếp mà người dân nơi đây chọn lựa là gạo nếp cái hoa vàng vùng Hải Hậu, Nam Định. Gạo được mang đi ngâm hàng tiếng đồng hồ rồi lại đãi thật kỹ, sau đó cho vào đồ giống như đồ xôi.
Còn đậu xanh thì được nấu chín bằng nồi gang vì nồi gang có dộ dày, giữ hơi tốt, giữ nóng tốt, đậu chín sẽ ngon, đánh sẽ bông lên và không bị khê.
Gạo nếp được hông trong khoảng 1 tiếng sau đó mang ra giã. Ngày xưa, các cụ phải giã bằng tay, bây giờ có máy giã, công việc đơn giản, dễ dàng , đỡ tốn công sức hơn rất nhiều. Tuy được giã bằng máy nhưng bánh giày Quán Gánh vẫn giữ được nguyên vẹn hương vị thơm ngon vốn có của nó.
Bánh dày có 3 loại: ngọt, mặn và chay. Bánh mặn có nhân đậu xanh với thịt lợn ba chỉ nhiều mỡ, thái hạt lựu sau đó xào với hành và hạt tiêu. Bánh nhân ngọt cầu kỳ hơn, có đường, vừng, dừa khô, dừa tươi nạo thành sợi nhỏ và mứt hạt sen. Thành phần nhân bánh sau khi được chuẩn bị đầy đủ sẽ đem trộn với đậu xanh sau đó vê thành những viên nhân có các vị ngọt, mặn khác nhau.
Vui nhất là lúc nặn bánh và gói bánh. Người dân ở Quán Gánh hầu như ai ai cũng biết làm công đoạn này. Đến làng Thượng Đình, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh các bà các chị với bàn tay thoăn thoắt, nặn những chiếc bánh tròn, đều, sau đó gói ghém vuông vức, cẩn thận bằng lá dong tươi.
Mỗi loại bánh sẽ có vị ngon khác nhau. Bánh mặn sẽ có thêm mùi thơm của thịt mỡ, hành xào và hạt tiêu, hòa quyện với độ dẻo, thơm của gạo nếp, mùi thơm của đậu xanh, tạo nên vị ngon rất đặc biệt. Còn bánh ngọt sẽ thơm mùi dừa, hạt sen, ngọt man mát chứ không ngọt sắc. Đối với bánh chay (không nhân), thường sẽ kẹp với giò hoặc chả, ăn cũng rất ngon.
Mời quý vị xem các Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.