BÁNH GAI ĐÔI CHIÊM HÓA - THỨC QUÀ CỦA NGƯỜI TÀY
Người Tày ở Chiêm Hóa bắt đầu làm bánh gai từ những năm 40 của thế kỷ trước. Đầu tiên chỉ có 1,2 gia đình làm để dâng cúng ông bà tổ tiên vào dịp lễ tết. Rồi dần dần nhiều hộ làm và đã trở thành nghề cha truyền con nối với những bí quyết riêng.
Cách gói bánh gai của người dân Chiêm Hóa khá đặc biệt, họ gói bánh gai cặp. Hai bánh được gói trong cùng một chiếc lá chuối. Lý do rất đơn giản vì lá chuối rừng to, đủ để gói được hai bánh. Bánh gai cặp này là chiếc bánh độc đáo chỉ có ở vùng đất Chiêm Hóa.
Nhân làm bánh gai gồm đỗ xanh, dừa, cũng có gia đình thêm mứt như nhiều vùng khác. Nhưng điểm đặc biệt ở đây phải kể đến việc muối mỡ lợn. Không phải chiếc bánh nào người Tày cũng cho mỡ lợn, chỉ những bánh được đặt riêng người dân mới làm.
Tùy thuộc vào thời điểm giao bánh, người dân sẽ lựa chọn thời gian hấp bánh. Nhiều gia đình để kịp giao chiếc bánh nóng hổi, thơm ngon vào sáng sớm, họ đã dậy từ 1,2h sáng để hấp bánh. Gia đình chị Hà, anh Thắng cũng là một trong những gia đình thường thức đêm để hấp bánh. Sau khi những chiếc bánh đã được hấp chín. Bánh sẽ được mang phơi trên giàn để hong khô. Khi những chiếc bánh se lại là đạt tiêu chuẩn. Nhiều gia đình người Tày ở Chiêm Hóa, nhờ chiếc bánh gai mà kinh tế ngày càng ổn định, khá giả.
Ngày nay, người Tày ở Chiêm Hóa không chỉ làm bánh gai, họ còn làm thêm bánh gấc, bánh củ chuối để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, bánh gai vẫn là thức quà chính. Bánh gai Chiêm Hóa được tiêu thụ rộng khắp không chỉ ở trong tỉnh Tuyên Quang, mà còn có mặt trong nhiều siêu thị ở Hà Nội và nhiều tỉnh khác. Bánh gai Chiêm Hóa được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao./.
Thực hiện: Huyền Trang – Hoàng Thuyên – Quốc Việt