Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác sẽ dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên. Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu xe máy nhiều nhất thế giới nên đề xuất này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía người dân và các chuyên gia.
Là một tài xế grab thường xuyên di chuyển trên đường, đối với anh Phan Văn Nghĩa bảo hiểm xe máy chỉ mang tính chất đủ điều kiện để tham gia giao thông chứ không mang nhiều ý nghĩa về bảo hiểm..
Không chỉ riêng anh Nghĩa mà rất nhiều người dân khác cũng mua bảo hiểm theo kiểu “đối phó” chứ ít ai mong chờ được đền bù khi không may có tai nạn xảy ra.
Theo VCCI, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103 của Chính phủ, tỷ lệ chi trả bảo hiểm xe máy chỉ đạt 6%. Năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy là 765 tỷ đồng, nhưng chi trả chỉ có 45 tỷ đồng. Với số tiền chi trả “ít ỏi” này thì rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường bảo hiểm xe máy lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng, không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Một trong những nguyên nhân người dân chỉ mua bảo hiểm mô tô, xe máy như là nghĩa vụ hơn là nghĩ tới quyền lợi là do thủ tục hưởng bảo hiểm vẫn còn nhiều bất cập. Theo quy trình, thủ tục nhận bảo hiểm thì phải có đầy đủ hồ sơ về tai nạn thuộc diện được bảo hiểm, mức độ thiệt hại…
Trong thời gian các cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét có nên bỏ bảo hiểm xe máy “bắt buộc” để chuyển sang “tự nguyện” hay không, ngành bảo hiểm cũng cần nghiên cứu, cải cách các thủ tục hành chính rườm rà và phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu chứ không thể để tình trạng “thu” thì nhiều mà xuất ra thì “ít” như thời gian qua.
Thực hiện: Thu Hương, Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.