Bạo lực học đường và lỗ hổng trong giáo dục đạo đức
Vụ bạo lực học đường vừa xảy ra tại trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang gây bàng hoàng trong dư luận những ngày qua bởi hành vi thiếu chuẩn mực không chỉ có sự tham gia của những học sinh cá biệt mà cả tập thể lớp đối với cô giáo dạy mình. Điều này đặt ra câu hỏi liên quan đến những lỗ hổng trong việc giáo dục nhân cách hiện nay.
Rõ ràng, chương trình giáo dục đạo đức phải được đào tạo được xuyên cho học sinh các cấp học. Bậc mầm non là giáo dục lễ giáo, bậc tiểu học là môn đạo đức, bậc trung học là môn giáo dục công dân. Dạy đạo đức trong nhà trường vẫn được coi là một trong những hướng đi quan trọng để giáo dục nhân cách học sinh. Nhưng thực tế, theo nhiều chuyên gia, chương trình sách giáo khoa hiện nay quá ôm đồm, nặng về lý thuyết chưa gắn liền với đời sống, thiếu kỹ năng sống, chưa tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách học sinh. Bên cạnh đó, tâm lý số đông hiện nay vẫn quan tâm nhiều đến thành tích, điểm số, tỉ lệ học sinh đạt học sinh giỏi, đậu tốt nghiệp và đại học... hơn là giáo dục lễ nghĩa, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng với mức độ nghiêm trọng hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định về giải pháp căn cơ, lâu dài thì phải giải quyết 2 vấn đề: chương trình giáo dục và công tác quản lý để làm sao giáo dục đạo đức trong trường học phải đi vào thực chất và hiệu quả hơn.
Bài học đạo đức phải xuất phát từ thực tiễn gia đình, mối quan hệ giữa thầy cô - học sinh, giữa học sinh với nhau và phải được đúc kết từ thực tiễn để hình thành nên nhân cách cho học sinh, để những giá trị truyền thống cần phải được gìn giữ, tránh tái diễn những vụ bạo lực học đường đau lòng như thời gian qua./.
Thực hiện: Anh Vũ – Trọng Đại – Chí Phương - Trọng Khánh