Trong các chương trình phát sóng gần đây chúng tôi có giới thiệu tới quý vị những nghệ nhân đau đáu với hành trình đi tìm truyền nhân cho các loại hình văn nghệ dân gian, với tâm nguyện khi họ mất đi rồi yên tâm rằng những bài hát, điệu múa của dân tộc mình sẽ còn được lưu truyền cho thế hệ mai sau. Và quá trình gặp gỡ những nghệ nhân này, chúng tôi còn nhận ra rằng, không chỉ những bài hát, điệu múa dân gian đang dần mai một, có rất nhiều loại nhạc cụ, đạo cụ của đồng bào các dân tộc dùng cho biểu diễn cũng đang dần mất đi nếu chúng ta không kịp thời bảo tồn tốt.
Đối với những người dân, du khách này, rất nhiều trong số những loại nhạc cụ này gần như lần đầu được nhìn thấy. Điều đó cũng có nghĩa rằng họ thậm chí còn chưa hoặc không thể hiểu đầy đủ về ý nghĩa, giá trị văn hóa của chúng. Đơn thuần chỉ là những nhạc cụ lạ lẫm.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Và mỗi dân tộc đều mang một nét văn hóa đặc trưng. Tương tự như vậy, mỗi loại nhạc cụ sẽ chứa đựng một giá trị riêng phản ánh nét văn hóa, đời sống của từng dân tộc đã được hình thành qua nhiều thế hệ. Đó chính là hồn cốt rất đáng trân quý của mỗi dân tộc.
Có lẽ không ai hiểu sự cấp thiết trong bảo tồn những loại nhạc cụ, đạo cụ phục vụ biểu diễn văn nghệ dân gian hơn chính những nghệ nhân và những nhà nghiên cứu này. Trước sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi mặt, trong đó có văn hóa, giải trí, chúng ta vẫn đang rất nỗ lực vừa phát triển, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của âm nhạc, dân ca, dẫn vũ. Thế nhưng đâu đó vẫn có sự quan tâm chưa đúng mức đến bảo tồn các loại hình nhạc cụ, đạo cụ phục vụ biểu diễn văn nghệ dân gian.
Thực hiện: Vũ Đào – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.