BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA QUA ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG
Nếu như trước đây, việc sử dụng chất liệu văn hoá truyền thống chỉ tập trung trong tác phẩm của một số nhạc sĩ như Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Lưu Hà An... thì ngày nay xuất hiện nhiều ở các tác giả trẻ. Sự lên ngôi của một loạt ca khúc như "Bống bống bang bang", "Bánh trôi nước", "Kiều", "Tương tư"... cho thấy các nhạc sĩ trẻ đã tận dụng khai thác hiệu quả những yếu tố truyền thống để đưa vào ca khúc của mình.
Lần đầu tiên, màn trình diễn “Trống Cơm” từ làn điệu dân ca quen thuộc vùng Bắc Bộ được viết mới theo thể loại rap, R&B… kết hợp với tiếng đàn bầu, tiếng trống hội và trống cơm trình diễn trên sân khấu hiện đại trở thành một hiện tượng, một xu hướng trên mạng xã hội. Đặc biệt, với sự kết hợp ăn ý của nghệ sĩ nhân dân Tự Long với hai nam ca sĩ thuộc thế hệ 9X thực sự cho thấy dòng chảy của văn hoá nghìn năm vẫn luôn tồn tại trong lòng thế hệ trẻ.
Nhìn vào những chuyển biến từ cách tiếp cận của công chúng với âm nhạc truyền thống, với văn hóa truyền thống, có thể thấy, truyền thống dân tộc luôn là mạch ngầm, âm thầm chảy trong đời sống người Việt, từ lời ru của bà, của mẹ đến những làn điệu dân ca. Điều quan trọng là phải biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, biết kết nối giá trị di sản với đương đại để vừa bảo tồn, vừa đổi mới sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu của thời đại nhưng vẫn bảo tồn được nét văn hoá truyền thống./.
Thực hiện: Vân Anh – Ngọc Toàn