Video Tin trong nước

Bảo tồn di tích – khi nhà nước và nhân dân cùng làm

Hiện nay có rất nhiều di tích thuộc sở hữu tư nhân, dòng họ làm chủ thể quản lý, còn chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc trùng tu, tôn tạo di tích. Một trong số đó là cụm di tích lăng mộ, Đền thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái.
20:06 - 07/12/2021

Nằm ở trung tâm làng Kim Lũ, xã Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, đền thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái chính là ngôi nhà chúa Trịnh Sâm ban cho người thầy của mình. Ngôi từ đường này có kiến trúc khá đặc biệt, gồm 3 gian, 2 dĩ. Cột, đố vách, dui... đều được bằng gỗ lim. Từ năm 1789, ngôi nhà được dòng họ Nguyễn lập làm từ đường. Gian giữa thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái, gian bên phải thờ dòng trưởng và gian trái thờ ngoại tổ. 

Trước cửa ngôi nhà cổ 3 gian có phương đình. Trải qua gần 300 năm tồn tại, đền thờ đã được tu bổ nhiều lần. Hầu như tất cả yếu tố gốc cấu thành đều được trân trọng gìn giữ. Hệ thống kiến trúc gỗ của ngôi đình vẫn được bảo quản trong tình trạng kỹ thuật chắc chắn. 

Đặc biệt, sau khi tu bổ, ngôi đền thường xuyên có người trông coi, hàng ngày kiểm tra từng cây cột, từng tấm ván, nếu phát hiện thấy có dấu hiệu mối mọt đều báo cáo chính quyền địa phương để có phương án xử lý kịp thời. 

Tất cả đều giữ gìn cẩn trọng như minh chứng cho tính hiệu quả của việc nhà nước và nhân dân cùng giữ gìn di tích. Di tích không chỉ là tài sản của cộng đồng dân cư, của Quốc gia mà trước hết là tài sản văn hóa tinh thần của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. 

Do đó, chính cộng đồng dân cư là chủ thể bảo vệ, phát huy vai trò di tích. Khi cả chính quyền và người dân cùng tham gia quản lý, bảo tồn di tích, cùng biết cách khai thác đúng cách, đúng mục đích thì di tích đó sẽ có giá trị lâu dài.

Trong khi Đền thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái được gia đình, dòng họ, chính quyền địa phương cùng bảo tồn và phát huy giá trị, thì tại khu lăng mộ Tể tướng Nguyễn Công Thái trên địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì vẫn còn bị ảnh hưởng, mất mĩ quan do nguyên phế liệu để bừa bãi.

Điều này cho thấy, bảo tồn di tích là vấn đề cần có sự chung tay của người dân và chính quyền địa phương cũng như ý thức của cả cộng đồng. Có như vậy, cụm di tích này mới phát huy hết giá trị vốn có, tạo điều kiện thuận lợi để câu chuyện về nhà giáo dục, nhà ngoại giao, vị quan thanh liêm thời Lê Trịnh - Tể tướng Nguyễn Công Thái được vang mãi.

Huyền Trang – Hoàng Thuyên – Quốc Việt

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.