Bảo tồn tranh dân gian sơn mài trong đời sống hiện đại
Bắt gặp không gian trưng bày tranh sơn mài khắc với những hình ảnh khá quen thuộc trong các dòng tranh dân gian Việt Nam, Mỹ Linh – một sinh viên ngành mỹ thuật khá thích thú với những bức tranh “cũ” nhưng lại được thể hiện bằng cách làm thu hút và hiện đại hơn.
Với tâm niệm “đi đến tận cùng của truyền thống sẽ gặp hiện đại” nhóm họa sĩ của Latoa Indochine đã tái tạo các mẫu tranh dân gian trên cơ sở kết hợp kỹ thuật tranh sơn mài với tranh sơn khắc, mang đến góc nhìn mới mẻ cho những chất liệu, đề tài dân gian tưởng như đã quá quen thuộc, giúp chúng trở nên sang trọng và phù hợp nhu cầu cuộc sống hơn. Vẫn là đề tài tranh dân gian Hàng Trống - Đông Hồ - Kim Hoàng nhưng không phải được vẽ trên giấy dó, giấy điệp, giấy xuyến chỉ mà đã được làm mới trên chất liệu sơn mài khắc truyền thống của Việt Nam. Các hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kĩ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp màu được mài rất tỉ mỉ. Tất cả những điều đó khiến tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới.
Tranh dân gian sơn mài khắc là một sáng kiến rất đáng ghi nhận, vừa phát huy được giá trị của nghệ thuật truyền thống là sơn mài, sơn khắc, vừa phát huy được tinh hoa của tranh dân gian, mà nếu không có niềm đam mê vốn cổ thì không thể thực hiện được. Trong bối cảnh đời sống xã hội ngày càng hiện đại, nhu cầu chơi tranh và sử dụng tranh dân gian không còn phổ biến như trước đây, việc mang đến đời sống mới cho tranh dân gian rất cần được khích lệ, nhằm khơi dậy, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào với nghệ thuật truyền thống để những tác phẩm xưa cũ trở nên gần gũi hơn, những cái hay, cái đẹp của tranh dân gian sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và ứng dụng trong cuộc sống nhiều hơn./.
Thực hiện: Vân Anh – Sỹ Thành