Là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời, làng Xuân La của Hà Nội là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam có lịch sử gần 300 năm. Có những giai đoạn mà cả làng Xuân La, từ lớn đến bé, ai ai cũng biết nặn tò he. Họ tạo ra những con giống với niềm yêu thương hồn nhiên, bình dị, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau tiến tới bắt kịp những thay đổi của cuộc sống. Không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he ở làng Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam. Sản phẩm tò he là đồ chơi thú vị, hấp dẫn trẻ em và cũng là món quà lưu niệm mộc mạc, đậm chất làng quê Việt Nam.
Theo các chuyên gia, sự phát triển bền vững làng nghề phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là các chính sách hỗ trợ, nhất là về quy hoạch và mặt bằng kinh doanh, về cơ sở hạ tầng và công nghệ bảo vệ, xử lý môi trường; vốn và về phát triển thương hiệu, ổn định đầu ra; gắn với quy hoạch và chiến lược tổng thể xây dựng nông thôn mới;… Ngoài ra, cần coi trọng sự phối hợp đa ngành trong kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm làng nghề và hàng nông sản chất lượng cao; liên kết phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch văn hóa.
Làng nghề và những giá trị văn hóa của làng nghề là tài sản quý của từng địa phương và của cả quốc gia. Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách của nhà nước, thì các vấn đề đào tạo nghệ nhân, thợ tay nghề cao, bảo vệ môi trường và ổn định đầu ra là những yếu tố cốt lõi và trách nhiệm của cả xã hội, của từng cơ sở và người dân làng nghề để duy trì và phát triển bền vững làng nghề của nước ta, cả hiện tại và tương lai.
Mời quý vị xem các chương trình đã phát sóng trên Vietnam Journey tại đây./.