Doanh nghiệp này có tổng số 27 đầu xe gồm vận tải khách và hàng hóa, thế nhưng từ đầu năm đến nay hầu như tất cả đều nằm im tại bãi không thể hoạt động. Nguyên nhân là dù có khách thuê nhưng giá xăng dầu tăng quá cao khiến thu không đủ bù chi.
Sau thời gian dài chống trọi với dịch bệnh thì đến nay, các doanh nghiệp lại tiếp tục đối mặt với áp lực khi chỉ trong thời gian ngắn, giá xăng dầu tăng 3 lần liên tiếp và đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây, gây sốc đối với nền kinh tế. Điều này không chỉ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tăng áp lực lạm phát.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng dầu tăng cao một phần do ảnh hưởng của giá dầu thế giới, tuy nhiên, yếu tố khiến giá xăng dầu trong nước tăng sốc như vừa qua lại nằm ở công tác điều hành thiếu linh hoạt của các cơ quan quản lý.
Theo ông Nguyên Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, việc giá bị nén lại với chu kỳ dài bất thường như vậy tạo ra sự chênh lệch giá quá lớn còn dẫn đến những hoạt động bất bình thường, tức là có hiện tượng găm hàng chờ giá tăng, làm thị trường bất ổn theo.
Ông Thỏa cho rằng, công tác điều hành giá xăng dầu hiện nay cần thực hiện theo nguyên tắc thị trường, tức là giảm chu kỳ 10 ngày xuống, trước mắt là 5 ngày/chu kỳ theo thông lệ mua bán quốc tế, tiến tới điều chỉnh theo ngày để bám sát thị trường thế giới.
Cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần có sự thay đổi để cho thấy rõ vai trò hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước khi cần thiết.
Chỉ khi công tác điều hành giá bám sát nguyên tắc thị trường, và việc sử dụng các công cụ hỗ trợ đúng thời điểm mới góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, tìm được nơi mua hàng có lợi nhất, thuận tiện nhất với giá cả hợp lý nhất, từ đó có sự chủ động trong các phương án hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vũ Đào – Chí Phương – Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.