Bệnh nhược thị bẩm sinh có yếu tố di truyền
Khi con 3 tuổi, mẹ quan sát và nhận thấy con có dấu hiệu bất thường, khi con liên tục nheo mắt khi xem ti vi và mẹ ngay lập tức đưa con đi khám. Bệnh nhân nhi này chỉ là 1 trong số ít bệnh nhân đã được phát hiện bị nhược thị bẩm sinh từ khi 3 tuổi để kịp thời điều trị và kiểm soát tình trạng tiến triển bệnh. Phát hiện và điều trị sớm bệnh nhược thị, mắt của bé đã không chuyển biến nặng, thị lực được cải thiện.
Không may mắn như em gái, cậu con trai phát hiện bệnh nhược thị bẩm sinh khi cháu học cấp 2, lúc này mắt đã chuyển cận thị. Cùng một lúc, vừa nhược, vừa cận khiến việc điều trị ở cháu rất khó khăn. Gia đình có 2 con thì cả 2 đều bị nhược thị bẩm sinh và có thể xảy ra do yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có ông bà, cha mẹ, anh chị em đã mắc có bệnh lý về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị, lác mắt... thì trẻ sẽ có nguy cơ cao di truyền từ các thế hệ trước.
Phát hiện và điều trị nhược thị bẩm sinh ở giai đoạn sớm là rất quan trọng. Theo một số nghiên cứu cho rằng, ở trẻ em trước 4 tuổi chỉ điều trị trong khoảng 1 tuần đến 1 tháng. Nhưng khi đã ở độ tuổi từ 8 tuổi trở lên mới phát hiện và điều trị, cơ hội chữa trị trở nên rất khó khăn, có khi là không thể. Do đó việc phát hiện bệnh từ sớm là vô cùng quan trọng. Các gia đình có người thân trong nhà bị các bệnh lý về mắt thì cần cho con đi khám sớm khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở trẻ./.
Thực hiện: Mai Lan – Đức Thành