Video Tạp chí Y tế và Sức khỏe cộng đồng

Bị chó cảnh cắn vẫn cần đi tiêm phòng bệnh dại

Mặc dù Hà Nội, đất chật người đông nhưng số lượng chó cảnh nuôi trong gia đình vẫn tăng nhanh. Chó cảnh được xem là động vật hiền lành, vui chơi với trẻ em và cả người lớn. Tuy nhiên, hiện số lượng người phải đi tiêm phòng dại do chó cắn tăng mạnh.
15:36 - 28/12/2023

Cụ ông gần 70 tuổi này sinh sống ở trong ngõ, sát cửa một ngôi nhà đang nhốt chó cảnh, bất ngờ con chó nhảy qua miếng gỗ chắn ở cửa và cắn vào tay ông cụ. Ở tuổi của cụ, bắt buộc phải vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiêm phòng dại, để phòng trường hợp tuổi cao, có bệnh nền, nếu sốc thuốc còn cấp cứu kịp thời.

Trong các loài vật nuôi, chó cảnh được cảnh báo là nguồn gây bệnh dại cao thứ hai, chỉ sau mèo. Trong bối cảnh "nhà nhà nuôi chó cảnh" như hiện nay, nguy cơ này càng báo động. Đặc biệt, liên tiếp thời gian gần đây rất nhiều trường hợp tử vong bởi phát bệnh dại do chó, mèo cắn. Trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cùng với đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Khi bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Thực hiện: Mai Lan – Ngọc Toàn