Video Tin trong nước

“Bia đá kể chuyện” - Sáng tạo mới khai thác giá trị bia tiến sĩ

Nằm trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, hình ảnh những hàng bia đá trên lưng rùa đã trở thành một biểu tượng đẹp của tinh thần hiếu học, đề cao sự nghiệp học hành, khoa cử của dân tộc Việt Nam.
15:32 - 14/10/2022

Tuy nhiên, việc tiếp cận nội dung trên bia Tiến sĩ lại không hề dễ dàng với công chúng. Xuất phát từ mong muốn 82 bia Tiến sĩ phải đến được gần hơn với công chúng, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã sáng tạo ra cách thức mới “Bia đá kể chuyện” như một cách để những tấm bia đá nằm im lìm suốt thời gian qua sẽ cất lên tiếng nói, câu chuyện về những danh nhân, những bậc hiền tài của đất nước.

Hơn 500 năm qua, người ta mới chỉ nhìn thấy cái vỏ, thấy hình dáng bề ngoài, còn nội dung bên trong những hàng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám thì rất nhiều người chưa biết. Để những tấm bia này đến gần hơn với người xem, du khách, nhóm thiết kế   “Bia đá kể chuyện” đã lên ý tưởng thiết kế những tấm banner hình hộp giống các tấm bia đá. Thông qua kỹ thuật đồ họa, các hình vẽ sinh động, thể hiện 4 nội dung: Chiêu mộ hiền tài, Con đường khoa cử, Gương sáng tiền nhân, Lưu danh muôn thưở.

Đây cũng là cơ hội để những hàng tấm bia Tiến sĩ mãi không còn là nhân chứng câm lặng của lịch sử, dốc bầu tâm sự với khách tham quan. Bởi đằng sau lớp mặt đá là những thông tin vô cùng quan trọng, hàng ngàn câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của hơn 1.300 vị tiến sĩ đang chờ đợi các thế hệ tìm hiểu. 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các sĩ tử trước kỳ thi cũng thường đến đây dâng hương, song họ không hiểu nội dung khắc trên bia đá. Do đó, cách thức trình bày mới mẻ này thực sự đi vào đời sống mang thông tin đến thế hệ trẻ.

Trong 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhóm thiết kế lần này chọn 14 tấm bia Tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi trong giai đoạn 1442 - 1529, tương ứng với những khoa thi được tổ chức dưới triều Lê Sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. 68 tấm bia còn lại cũng sẽ được thiết kế giống như mô hình của tấm bia đá và rất nhiều câu chuyện trên tấm bia đá cũng sẽ được trình bày một cách sinh động, nhằm giúp công chúng hiểu hơn các giá trị lịch sử, văn hoa khoa cử ngày xưa của cha ông ta.

Thu Hương – Lê Hải

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.