Biến chứng nguy hiểm do nhiễm sán dây chuột
Bệnh nhi 7 tuổi này được phát hiện bệnh tình cờ, khi người nhà đưa đi khám kiểm tra tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh nhân có dấu hiệu ăn kém, rối loạn tiêu hoá không thường xuyên, sụt nhẹ cân. Qua các xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện có trứng sán dây nhỏ Hemynolepis spp đặc hiệu trong mẫu phân. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sán dây nhỏ Hymenolepiasis (hay còn gọi sán dây lùn/ sán dây chuột).
Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân của bệnh là do nuốt phải trứng sán dây nhỏ có trong ngũ cốc đã nấu sẵn, các loại thực phẩm, nước uống hoặc bàn tay có nhiễm trứng sán hoặc ấu trùng chưa trưởng thành có trong các loại động vật gặm nhấm (chuột), động vật chân đốt như gián hoặc mọt cám có trong ngũ cốc… hoặc có thể người mắc bệnh này chưa điều trị cũng chính là nguồn lây bệnh.
Mỗi năm, bệnh viện Đặng Văn Ngữ chỉ tiếp nhận 1-2 trường hợp bệnh nhân nhiễm sán dây chuột bởi bệnh diễn biến âm thầm, khó phát hiện. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và thường gặp ở các quốc gia ôn đới, đặc biệt là những khu vực có điều kiện vệ sinh thấp kém. Để phòng ngừa bệnh sán dây chuột, người dân cần khử trùng đồ ăn, thức uống sạch sẽ, ăn chín, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh./.
Thực hiện: Hữu Quảng