Trong suốt 5 năm điều trị bệnh đái tháo đường, đây là lần đầu tiên bệnh nhân này nhập viện điều trị. Với tâm lý chủ quan khi bị làm bị vết xước bàn chân, bệnh nhân đã không nhập viện ngay mà xử trí bằng các biện pháp ở nhà, chỉ khi thấy chân bầm tím, mưng mủ và đau nhức mới nhập viện để điều trị. Sau quá trình thăm khám và hội chẩn, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị loét sâu dẫn đến hoại tử vùng bàn chân cần phải nhập viện và điều trị ngay.
Biến chứng bàn chân do đái tháo đường có tỷ lệ mắc cao hơn ở nam giới và bệnh nhân trên 60 tuổi. Tỷ lệ người mắc biến chứng bàn chân do đái tháo đường hằng năm trên thế giới ước tính khoảng 4%-10%, trong số đó có tới 1%-4% bệnh nhân đã bị viêm loét. Nguy cơ biến chứng suốt đời đối với sự phát triển của loét bàn chân do đái tháo đường dao động từ 15%-25%.
Bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa các biến chứng bàn chân, nhất là biến chứng hoại tử nghiêm trọng phải cắt cụt chi thì không gì tốt hơn là người bệnh nên quản lý tình trạng đái tháo đường của mình bằng cách thăm khám định kỳ và điều trị theo thuốc lẫn chỉ định ăn uống của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, theo dõi chân hàng ngày cũng rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng viêm loét có thể xảy ra
Thực hiện: Hữu Quảng – Lê Thanh