Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.
Mùa mua sắm cuối năm được đánh giá là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp giải phóng hàng hóa. Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp bán được hàng, cũng như người dân có tiền mua sắm, điều này cần các giải pháp từ hoạt động thương mại điện tử, các chương trình kích cầu và chính sách hỗ trợ hiệu quả. Trong đó, các vấn đề về việc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa được người tiêu dùng quan tâm…Nắm bắt được tâm lí này, cùng với việc thực hiện các biện pháp kiểm định chất lượng hàng hóa thì nhiều sàn thương mại điện tử cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại đến người mua.
Dù nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng đã được Chính phủ đưa ra từ đầu năm như giảm thuế VAT 2%, giảm lãi suất, nhưng các quý đầu năm bán lẻ tăng trưởng 15-17%, gần đây chỉ còn tăng 11 – 12% và đà tăng trưởng liên tục suy giảm. Do đó, theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng tiêu dùng đến từ các nền tảng thương mại trực tuyến sẽ đóng vai trò then chốt giúp thúc đẩy phục hồi thị trường bán lẻ giai đoạn cuối năm, cũng như chuẩn bị cho bước bung sức dịp Tết Nguyên đán./.
Thực hiện: Huy Vinh - Chí Phương