Tuy nhiên, thực tế là những cây bút trẻ hiện nay dù nhiều nhưng chưa thực sự tạo dấu ấn sắc nét. Do đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo lực lượng sáng tác trẻ đang là vấn đề trọng tâm hàng đầu để hướng tới một nền văn học nghệ thuật hiện đại, giàu bản sắc.
Nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong lịch sử đồng hành cùng đất nước đã ghi nhận những tượng đài như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính... của giai đoạn 1930-1945. Tiếp đến là giai đoạn văn học chống Mỹ cho đến thời Đổi mới với các tên tuổi: Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa…của giai đoạn sau 1945. Phần lớn thế hệ vàng này đều thực hiện khát vọng văn chương ở lứa tuổi từ 20-30.
Tuy nhiên, tính từ sau 1990 đến nay, những làn sóng mới với những người viết trẻ nổi lên không mạnh mẽ, hùng hậu như giai đoạn trước mà chậm hơn với những dấu ấn chưa rõ rệt để có thể làm “mới” chứ không nói đến “lạ” nền văn chương đương đại.
Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ là chủ đề nổi bật tại hội thảo toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Các đại biểu đều nhất trí rằng: “Không có một cuộc cách mạng nào trong lịch sử, kể cả cách mạng văn học mà không được thực hiện bởi một lực lượng trẻ”. Do đó, vấn đề quan trọng là tập trung đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện của lực lượng trẻ phát huy, cống hiến tài năng, đồng hành cùng đất nước.
Rõ ràng, với sức trẻ, trí tuệ và sáng tạo, nếu được trau dồi, đào tạo từ thế hệ đi trước, những người cầm bút trẻ sẽ có thể phát huy tài năng, mang tới diện mạo mới chân thực, sinh động cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Anh Vũ - Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.