Video Phóng sự VOV

Cà Mau chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật số vào sản xuất để phát triển kinh tế theo tiêu chí bền vững

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của đất nước, Cà Mau đã không ngừng nỗ lực để chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra hệ sinh thái mới giúp nông dân cải thiện sản xuất, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế bền vững.
21:21 - 10/12/2024

Cà Mau chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật số vào sản xuất để phát triển kinh tế theo tiêu chí bền vững

Nhiều năm nay, những xã viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) được biết đến là "những nông dân sung sướng". Họ làm ruộng nhưng không khi nào chân lấm tay bùn, mà thay vào đó tận dụng tối đa thiết bị thông minh. 

Bằng việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại cùng các phần mềm thông minh nên toàn bộ quá trình sản xuất lúa của HTX dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, từ khâu làm đất, bón phân, xuống giống, tưới tiêu, phun thuốc, thu hoạch đều được cơ giới hóa 100%. Việc quản lý chăm sóc lúa cũng được thực hiện bằng các phần mềm. Những xã viên HTX dù canh tác trên cánh đồng rộng lớn nhưng không cần ra khỏi nhà mà thực hiện trên máy tính, điện thoại.

Tại Hợp tác xã chồn hương Viên An (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), các thành viên cũng đã được tập huấn về phần mềm quản lý xuất nhập động vật hoang dã. Khi được triển khai, phần mềm này sẽ khắc phục được tình trạng quản lý bằng thủ công dễ phát sinh sai sót hiện nay.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại Cà Mau đã bước vào giai đoạn quan trọng với việc triển khai hàng loạt ứng dụng và phần mềm hỗ trợ nông dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, nhờ áp dụng công nghệ số và các phần mềm hỗ trợ sản xuất, sản lượng nông sản của tỉnh năm 2023 đã tăng khoảng 15% so với năm 2022, trong khi chi phí sản xuất giảm từ 10% đến 20%. Không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho nông dân, chuyển đổi số còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Tuy nhiên, chuyển đổi số nông nghiệp đòi hỏi nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống phần mềm, trình độ nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý ngành nông nghiệp… Do đó, trong quá trình thực hiện, Cà Mau vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc.

Trong tương lai, với sự phát triển không ngừng của công nghệ và nỗ lực chuyển đổi số, Cà Mau hứa hẹn sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những trung tâm nông nghiệp hàng đầu của cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.