Video Tin trong nước

Các nhà máy thuỷ điện lớn ở Tây Nguyên đảm bảo lưu lượng nước cho hạ lưu

Nước trong các hồ chứa giảm, thời gian qua các nhà máy thuỷ điện lớn trên địa bàn Tây Nguyên đều hoạt động ở mức cầm chừng. Tuy nhiên, để đảm bảo tích nước để phục vụ sinh hoạt, tưới cho cây trồng được các công ty thuỷ điện tuân thủ đúng quy định.
21:12 - 04/07/2023

CÁC NHÀ MÁY THUỶ ĐIỆN LỚN Ở TÂY NGUYÊN: SẢN LƯỢNG GIẢM NHƯNG ĐẢM BẢO LƯU LƯỢNG NƯỚC CHO HẠ LƯU

Trên lưu vực sông Sê San thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hiện có 3 nhà máy thủy điện lớn gồm: Ialy, Sê San 3, và PleiKrông, tổng công suất 1.080 MW. Các nhà máy này do Công ty Thủy điện Ialy quản lý, vận hành. Theo lãnh đạo công ty, tổng sản lượng lũy kế tính đến 30/6/2023 của 3 nhà máy đã sản xuất được hơn 102 tỷ 246 triệu kWh. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, các nhà máy chỉ sản xuất được 1 tỷ 955 triệu kWh điện, đạt 41,68% kế hoạch, giảm 330 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Trên lưu vực sông Srêpốk thuộc địa phận các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông hiện cũng có nhiều nhà máy thủy điện lớn hoạt động. Trong đó có 3 nhà máy Buôn Tua Srah, Buôn Kốp, và Srêpốk 3, tổng công suất 586 MW. Tổ hợp nhà máy thủy điện này do Công ty thủy điện Buôn Kốp quản lý, vận hành. 6 tháng qua, tổng sản lượng điện của 3 nhà máy chỉ đạt 915 triệu kWh điện, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tây Nguyên hiện có hàng chục nhà máy thủy điện lớn, công suất lên tới hàng nghìn MW, nằm rải rác trên các lưu vực sông: Sê San, Srêpốk và sông Đồng Nai… Năm nay do thời tiết diễn biến bất thường, lượng nước về hồ giảm, các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, tuy nhiên vẫn đảm bảo nước tưới, sinh hoạt cho vùng hạ du. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thể hiện tính nhân văn, tuân thủ đúng pháp luật, ưu tiên đảm bảo an sinh cộng đồng, dù nguồn thu của doanh nghiệp giảm mạnh./.

Thực hiện: Tuấn Long – PV thường trú VOV tại Tây Nguyên