CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT BÁO CHÍ SỬA ĐỔI
Tại phiên họp các thành viên Chính phủ đã cùng thảo luận xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 05 đề nghị, dự án Luật (gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đặc biệt, về Dự án Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi), các thành viên Chính phủ yêu cầu, cần bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đăng về quản lý và phát triển hoạt động báo chí; sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng chuyển đổi số báo chí; hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.
Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, trong Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) cần có thêm mục quy định về cơ quan báo chí chủ lực, cùng với đó giao nhiệm vụ chính trị thì cũng giao nguồn lực.
Kết luận về Luật này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giácao Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá thực tiễn, xây dựng các chính sách mới để xây dựng Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi).
Về thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí, Thủ tướng cơ bản thống nhất với các mục tiêu của chính sách này nhưng cần cân nhắc thận trọng việc thành lập các tập đoàn báo chí vì đây là vấn đề mới, quan trọng, liên quan đến định hướng, quy hoạch các cơ quan báo chí của Đảng, liên quan đến nhiều quy định pháp luật về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tập đoàn báo chí, Bộ TTTT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện Đề án về quy hoạch báo chí đã được Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo về mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện đối với 6 cơ quan báo chívà tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất mô hình phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, bảo đảm cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất, ổn định của các tổ chức này. Đặc biệt cần làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để quy định điều kiện thành lập tập đoàn báo chí; cân nhắc về tên gọi "tập đoàn báo chỉ" đê tránh cách hiêu tập đoàn theo quy định của Luật doanh nghiệp và phù hợp với các chỉ đạo của Đảng về nội dung này. Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị rà soát, tổng hợp các bất cập về cơ chế, chính sách đối với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. /.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương