Theo một báo cáo vừa được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa công bố, việc cải thiện khả năng tài trợ thương mại với chi phí hợp lý có thể giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm tương ứng 6% và 9%. Điều này đồng nghĩa với việc tổng giá trị thương mại hàng hóa có thể tăng thêm tới hơn 55 tỷ USD.
Tuy nhiên, tại buổi trao đổi, đại diện IFC cho biết, tài trợ thương mại trong nước của Việt Nam hiện không những chưa phổ biến mà còn có chi phí cao, phân tán và mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các nghiệp vụ cơ bản. Trong khi đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cho hay: những yêu cầu cao về tài sản thế chấp và quy trình thẩm định phức tạp là những lý do chính khiến họ không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng. Năm 2022, các ngân hàng Việt Nam từ chối trung bình 12% số yêu cầu tài trợ thương mại, chủ yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa – tương đương với khoảng 20,3 tỷ USD nhu cầu chưa được đáp ứng. Nguyên nhân từ chối được cho là do thiếu tài sản thế chấp và rủi ro tín dụng cao.
Từ thực tế này, IFC và WTO khuyến nghị Việt Nam phát triển các công cụ mới, như: tài trợ chuỗi cung ứng và các dịch vụ số hóa sáng tạo để giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận. Để làm được điều này cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm giải quyết các yêu cầu về tài sản thế chấp, giao dịch số hóa,c ác điều kiện của ngân hàng trung ương và khung trách nhiệm giải trình./.
Thực hiện: Vũ Đào – Trọng Khánh