Video Tin trong nước

Cần chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội phát triển công nghiệp công nghệ số

Sáng 30/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, nhiều ĐB cho rằng, để công nghiệp công nghệ số phát triển, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm tạo sự đột phá

21:03 - 30/11/2024

CẦN CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH, ƯU ĐÃI VƯỢT TRỘI PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ 

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các đại biểu đánh giá cao các quy định tại Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước để phát triển công nghiệp công nghệ số, khắc phục những tồn tại, hạn chế về công nghiệp công nghệ thông tin và cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực để phát triển hiệu quả tiềm năng của ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số, cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn. 

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn Bắc Ninh nêu quan điểm, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng gần 1/2 tổng số lao động và đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực chế tạo, điện - điện tử và công nghệ thông tin. Đại biểu kiến nghị bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa.

Về thu hút nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những chính sách ưu đãi khác về điều kiện sinh hoạt, điều kiện làm việc, nghiên cứu, điều kiện học tập để nâng cao bắt kịp với xu thế phát triển của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Nhấn mạnh việc bảo đảm chính sách khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, một số ý kiến đề nghị đảm bảo quyền riêng tư khi triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Các đại biểu cũng chỉ rõ việc việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng với nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại. Vì vậy, các quy định trong dự thảo Luật cần bảo đảm nguyên tắc vừa khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trí tuệ nhân tạo, nhưng cũng vừa có những quy định để bảo đảm việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đúng định hướng. 

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam muốn trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao thì phải đi đầu trong nhóm công nghiệp công nghệ số. Nếu Quốc hội thông qua luật này trong kỳ họp tới thì Việt Nam sẽ là nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số. Công nghệ số xử lý dữ liệu sinh ra giá trị mới, tạo ra sự phát triển cho đất nước. Không những vậy, công nghệ số còn tạo ra chuyển đổi số, tạo ra không gian sinh tồn mới là không gian số, cách mạng chuyển đổi số. Nhấn mạnh đây là điều quan trọng nhất, Bộ trưởng cho biết công nghệ số là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới. Dự thảo luật cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ phát triển, đảm bảo an ninh quốc gia cho ngành công nghiệp chiến lược này. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ đầu tư thêm nội dung về công nghiệp công nghệ số xanh. Bởi đây sẽ là lĩnh vực tiêu dùng nhiều năng lượng nhất./.

Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng