Video Tin trong nước

Cần cơ chế đặc thù về tuổi nghỉ hưu với giáo sư, phó giáo sư

Nghị định 50 ban hành năm 2023 về thay đổi thời gian kéo dài làm việc đối với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư được cho là nguyên nhân chính của tình trạng chảy máu chất xám từ công sang tư
21:07 - 27/02/2024

Trước đây, theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có chức danh PGS là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức giáo sư là không quá 10 năm.

Tuy nhiên, khi Nghị định số 50/2022/NĐ-CP có hiệu lực, thời gian làm việc của GS, PGS bị giảm xuống không quá 5 năm kể từ thời điểm đủ tuổi về hưu.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đội ngũ trí thức có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ lao động đặc thù không dễ gì thay thế được. Do đó, việc giảm thời gian kéo dài tuổi nghỉ hưu của lực lượng này không phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, đặc biệt khi tỉ lệ GS, PGS trong các trường ĐH tương đối thấp so với khu vực và quốc tế.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự đồng tình về kiến nghị kéo dài thời gian cống hiến cho đội ngũ lao động trình độ cao như GS, PGS, đồng thời kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để tận dụng những đóng góp của lực lượng tinh hoa này.

Để tránh tình trạng chảy máu chất xám, nhiều chuyên gia kiến nghị xem xét lại Nghị định 50, theo hướng nên để việc nghỉ hưu đối với các GS, PGS là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc./.


Thực hiện: Anh Vũ – Trọng Khánh – Sỹ Thành