CẦN CƠ CHẾ THU HÚT THÍ SINH NGÀNH KHOA HỌC CƠ BẢN
Được coi là “xương sống” của nền kinh tế nhưng các ngành khoa học cơ bản được nhận định là ngành học khó, nặng về lý thuyết, không dễ dàng xin việc làm đúng hoặc gần giống với ngành học tại những doanh nghiệp, công ty tư nhân. Trong khi cơ quan nhà nước lại quá ít chỉ tiêu việc làm. Và nếu có vào cơ quan nhà nước thì mức thu nhập lại thấp. Đó là thực tế cho thấy sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Trước thực trạng này, nhiều trường đại học đã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ để thu hút sinh viên theo học nhóm ngành này. Chủ yếu là thông qua chính sách về miễn giảm học phí, cấp học bổng một phần hoặc toàn phần…
Theo các chuyên gia, việc tỉ lệ nhập học chênh lệch giữa các ngành, lĩnh vực đào tạo xuất phát phần lớn từ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Ngành khoa học cơ bản là lĩnh vực quan trọng của đất nước nhưng ít được người học lựa chọn, có thể do việc học tập các lĩnh vực này rất khó, cần nhiều trang thiết bị hoặc công tác truyền thông chưa làm tốt nên thí sinh chưa hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn theo học. Do đó, bên cạnh nhiều chính sách về học phí, học bổng, nhiều trường đã liên kết với các doanh nghiệp giúp tăng cơ hội việc làm cho sinh viên ngành này sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh việc các trường chủ động ban hành những chính sách thu hút sinh viên theo học nhóm ngành khoa học cơ bản, cần một chiến lược bài bản và toàn diện hơn từ phía các cơ quan Nhà nước trong việc đầu tư, hỗ trợ thiết thực hơn cho lĩnh vực này. Từ đó, tạo ra sự cân đối trong việc phát triển ngành nghề, đặc biệt là những ngành thiết yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vì sự phát triển trong tương lai./.
Thực hiện: Anh Vũ – Chí Phương – Trọng Khánh