Video Tin trong nước

Cần có chính sách thông thoáng để tạo ra các sản phẩm về đề tài lịch sử có chất lượng cao

Quốc hội đã thảo luận về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội các tháng cuối năm và năm 2022. Trong đó, cần quan tâm đầu tư cho công nghiệp văn hóa, coi văn hóa là nguồn lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
21:17 - 10/11/2021

Bày tỏ nhất trí với quan điểm thứ 5 trong dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là, “Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, coi đây là nguồn lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững”.

Đại biểu Đặng Xuân Phương – đoàn Nghệ An đề nghị cần có sự phối hợp chính sách để giúp các ngành sử học, văn học lịch sử tạo ra các bộ phim, sản phẩm truyền hình về các đề tài lịch có chất lượng cao, từ đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết của dân tộc, góp phần bồi đắp kiến thức cho giới trẻ. 

Cũng theo đại biểu Đặng Xuân Phương, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ để các bạn trẻ tham gia vào việc nghiên cứu, giữ gìn lịch sử.

Nêu thực tế hiện có hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu vực bảo vệ của Di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể có nguyện vọng cải tạo, sửa chữa nhà ở đã xuống cấp, hoặc xây dựng mới các công trình phục vụ cho việc phát triển du lịch nhưng không thể thực hiện được. Bởi theo quy định, nhà ở trong khu vực 1 của di tích muốn xây dựng, sửa chữa, cải tạo lại thì cần được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, ở khu vực 2 thì cần sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vướng mắc này đã kéo dài nhiều năm và gây bức xúc trong nhân dân. 

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn Bắc Kạn đề nghị cần sớm sửa đổi lại các quy định này nhằm giải quyết hài hòa bài toán đảm bảo đời sống cho người dân trong vùng di sản cũng như tạo điều kiện tốt hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ di sản. 

Nhiều ý kiến cũng đề nghị, Chính phủ cần tách riêng một mục dành cho mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: du lịch văn hóa, quảng cáo, điện ảnh, nhiếp ảnh, triển lãm, thời trang, trò chơi giải trí… 

Các giải pháp cần bảo đảm khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo  đa dạng các sản phẩm văn hóa, kết nối nguồn tài nguyên văn hóa với khoa học công nghệ hiện đại để thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành dịch vụ quan trọng, vừa đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, dịch vụ, việc làm, tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, đáp ứng yêu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa truyền thống Việt Nam ra thế giới.

Huy Vinh - Chí Phương

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.