Cần có cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu
82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2010. Điều đó đã đặt ra cho Việt Nam yêu cầu khắt khe trong việc bảo quản và phát huy giá trị di sản tư liệu này. Mặc dù đã được tập trung nguồn lực, các giải pháp bảo quản dưới mái che nhưng 82 bia đá này vẫn bị ảnh hưởng bởi môi trường tự nhiên.
Ẩn chứa trong những di sản tư liệu đặc sắc này là các giá trị trên nhiều mặt: lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học. Tuy nhiên đã nhiều năm, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản tư liệu. Bên cạnh đó là sự lúng túng tại các di tích ở nhiều địa phương, khi còn đó khoảng trống pháp lý trong bảo vệ và phát triển loại hình di sản này.
Đến nay, Việt Nam đã có 10 di sản tư liệu thế giới được UNESCO ghi danh, bao gồm ba di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Di sản tư liệu đang ngày càng phát huy tiềm năng, trở thành tài sản vô giá cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Đòi hỏi phải điều chỉnh và cụ thể hoá những vẫn đề còn vướng mắc, nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động phát huy giá trị di sản tư liệu.
Mặt khác, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý di sản tư liệu chưa được quy định trong Luật Di sản văn hóa. Các tiêu chí về nhận diện, quy trình, thủ tục lập hồ sơ đưa vào các Danh mục di sản tư liệu cấp tỉnh và quốc gia còn chưa được xây dựng cụ thể và quy trình thực hiện còn chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đối với việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trong cuộc sống hiện đại là việc cấp thiết cần làm trong thời gian tới./.
Thực hiện: Thu Hương - Trọng Khánh