Video Tin trong nước

Cần có giải pháp đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH. Nhiều đại biểu nhận định cần có giải pháp đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
22:52 - 31/10/2023

Cần có giải pháp đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

      Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội Khóa 15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101 của Quốc hội Khóa 15.

     Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhận định, mặc dù có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu vẫn trong tình trạng phát triển chậm. Trong bối cảnh ấy, để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

     Một số ý kiến cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù ngân hàng nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn.

     Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã và đang tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp.

     Một số ý kiến cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá kỹ hơn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp phù hợp đối với 05 chỉ tiêu ước cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội 3 năm liên tiếp không đạt./.

Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng