Theo các chuyên gia, việc khắc phục những lỗi phát sinh, duy tu hàng ngày không đủ để giữ lại công trình có giá trị lịch sử, di sản và kiến trúc đặc biệt này mà cần phải được bảo tồn và có một kế hoạch phục hồi tổng thể.
Cầu Long Biên với hơn 120 năm tuổi được biết đến như một biểu tượng của Hà Nội, một chứng nhân lịch sử chứng kiến những thăng trầm của Thủ đô. Dù được xây dựng cách đây hơn 1 thế kỷ, sự xuống cấp ngày càng thấy rõ, khi mới đây chỉ trong vòng 1 tháng, cầu Long Biên đã xảy ra tới 2 lần thủng mặt cầu gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.
Trước thực trạng xuống cấp của cầu Long Biên hiện nay, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chống sập, bằng cách kiểm tra lại toàn bộ phần cầu cũ, nguy hiểm, có thể giảm luồng đường, tránh những tấm bê tông có thể rơi xuống, gây nguy hiểm không chỉ cho người đi trên cầu mà cả tàu, thuyền ở dưới sông. Công việc tiếp sau đó là khẩn trương tiếp quản dự án của Chính phủ đã giao cho thành phố Hà Nội để nghiên cứu làm lại đường sắt số 1 qua cầu Long Biên, từ ga Hà Nội tới Yên Viên.
Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cho dù phương án nào cũng phải bảo tồn nguyên vẹn giá trị di sản cầu Long Biên, với cảnh quan bầu trời, sông nước, bãi bồi và không gian công cộng… Cùng với đó là giao thông, giá trị có khả năng tồn tại với vẻ đẹp nguyên vẹn của nó. Giá trị di sản đô thị được nhìn nhận trong quan hệ với các thành phần khác để tạo ra một tổng thể, luôn luôn thích nghi, vì vậy phải can thiệp để nó bền vững với thời gian.
Thu Hương – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.