Đã hơn nửa tháng nay, toàn bộ 120 đầu xe của doanh nghiệp vận chuyển du lịch này phải nằm "đắp chiếu" tại bãi như thế này. Trong khi vào thời điểm này hàng năm, toàn bộ xe hoạt động 100% công suất phục vụ nhân dân, du khách du xuân. Mỗi ngày, doanh nghiệp này thiệt hại hàng trăm triệu đồng doanh thu, trong khi vẫn phải chi trả tất cả các chi phí cố định để duy trì doanh nghiệp.
Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở thời điểm này do tác động của dịch Covid-19.
Ước tính thiệt hại vì dịch bệnh CoVid 19 trong 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 5,9 - 7,7 tỷ USD. Xét trên cơ cấu chi tiêu của khách du lịch theo kết quả điều tra năm 2019, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm đều thiệt hại trung bình 1-1,8 tỷ USD mỗi ngành.
Đối với những doanh nghiệp du lịch này, trợ lực tài chính kịp thời có ý nghĩa sống còn, giúp họ cầm cự được trong giai đoạn chống dịch và chuẩn bị tốt để có thể hoạt động mạnh mẽ trở lại ngay sau khi dịch được khống chế.
Từ kinh nghiệm thành công của gói tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp sau đại dịch SARS năm 2003, Tổng cục Du lịch vừa đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chịu nhiều thiệt hại do dịch Covid-19.
Trước khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu ngay một số chính sách tín dụng hỗ trợ kinh tế trong bối cảnh dịch virus CoVid-19 diễn biến phức tạp; trong đó lưu ý cần có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu.../.
Mời quý vị xem các Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.