Sau khi Luật Phòng, chống tác hại Rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, thói quen, hành vi sử dụng đồ uống có cồn của người dân đã dần thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nắm bắt được sự thay đổi này, các doanh nghiệp cũng đã có những thay đổi trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhiều mặt hàng đồ uống không độ được đưa ra thị trường với mục đích giảm lượng tiêu thụ sản phẩm có cồn. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến, các sản phẩm này là một trong ba nhóm đồ uống mà Bộ Tài chính đang đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bất cứ một Luật nào khi ra đời hoặc sửa đổi đều có những tác động đến xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp đang phục hồi sau dịch và hiện gặp nhiều khó khăn với những tác động từ tình hình thế giới, chi phí sản xuất tăng. Các doanh nghiệp đồ uống cần môi trường chính sách ổn định về thuế, phí để quay lại thời kỳ tăng trưởng như trước dịch.
Còn dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia thì cho rằng, việc áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn cần tính đến thời điểm và trình tự. Nếu áp dụng thì áp dụng vào giai đoạn chuyển tiếp và nên thí điểm, tiến hành một cách thận trọng. Và đặc biệt, cần đánh giá tác động của Luật đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến các đối tượng chịu ảnh hưởng.
Với Việt Nam, đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Năm 2014, nội dung này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng