Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: thực tế phát triển kinh tế xã hội đất nước đang đặt ra những yêu cầu, thách thức mới không chỉ trong công tác phòng cháy, mà còn trong công tác đảm bảo an toàn phòng nổ. Thời gian qua, tại các tỉnh thành phố trong cả nước đã xảy ra nhiều sự cố cháy nổ có gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, gây gián đoạn sản xuất mà còn kéo theo các chi phí khắc phục hậu quả. Vì vậy an toàn phòng nổ là yếu tố then chốt trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của người lao động, bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân, tạo ra môi trường làm việc an toàn giúp duy trì hoạt động sản xuất liên tục, giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, các ý kiến thảo luận nhấn mạnh với nhu cầu và thực tế phát triển công nghiệp sản xuất hiện nay, nhà nước và các doanh nghiệp cần có sự đầu tư xứng đáng hơn nữa cho thiết bị điện trong các công trình công nghiệp và năng lượng quốc gia; đồng thời cũng cần lưu tâm đến các vấn đề liên quan như: môi trường nguy hiểm nổ và an toàn phòng nổ trong công nghiệp: cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc tế và Việt Nam; Phân vùng nguy hiểm nổ tại các cơ sở công nghiệp; Một số nội dung cần chú ý khi lựa chọn, sử dụng thiết bị điện trong vùng nguy hiểm nổ tại các cơ sở công nghiệp. Từ đó đưa ra các giải pháp sử dụng và vận hành thiết bị điện trong vùng nguy hiểm nổ tại các cơ sở công nghiệp, công trình năng lượng Quốc gia… /.
Thực hiện: Vũ Đào – Anh Dũng