Cần định hướng các môn tổ hợp cho học sinh từ cấp THCS
Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo định hướng nghề nghiệp thông qua việc lựa chọn các tổ hợp môn học. Với học sinh lớp 10, ngoài 8 môn học bắt buộc là Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Lịch sử và các chương trình Giáo dục Quốc phòng, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, học sinh sẽ được chọn 4 môn trong số 9 môn học còn lại (gồm Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc). Các tổ hợp môn được xây dựng dựa trên tình hình thực tế của nhà trường cũng như nguồn nhân lực giảng dạy.
Tại các trường THCS, học sinh cuối cấp dù đã được làm quen với việc lựa chọn tổ hợp môn học khi vào lớp 10 vẫn thấy bỡ ngỡ.
Theo nhiều chuyên gia, để chọn được môn tổ hợp phù hợp khi bước vào lớp 10 cần xuất phát từ năng lực, sở trường của bản thân, định hướng nghề nghiệp sau 3 năm học ở cấp THPT. Trong khoảng thời gian học cấp THCS, học sinh có tư duy tốt về lĩnh vực KHTN hay KHXH đều được thể hiện rõ. Do đó, cần định hướng các môn tổ hợp ngay từ cuối cấp THCS.
Tuy nhiên, thực tế là dù được thay đổi lại tổ hợp nếu không phù hợp nhưng việc đổi môn chỉ được thực hiện ở cuối năm học và học sinh sẽ phải tự học bù kiến thức của môn học mới ở các lớp trước nên khá khó khăn. Bên cạnh đó, do tổ hợp môn được xây dựng dựa trên tình hình thực tế và nhân lực của trường nên không phải học sinh thích môn nào là “lựa chọn” mà phần lớn phải lựa chọn theo tổ hợp mà nhà trường đã định sẵn. Do đó, học sinh và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về các tổ hợp có sẵn tại trường THPT mình mong muốn trước khi đăng ký thi vào.
Đánh giá đúng về năng lực thiên về KHTN hay KHXH và tìm hiểu kỹ các tổ hợp môn ở trường THPT mà mình muốn vào là những yếu tố then chốt giúp học sinh phát huy được sở trường của bản thân và đáp ứng triển vọng nghề nghiệp trong tương lai./.
Thực hiện: Anh Vũ – Trọng Khánh – Quốc Hùng