Học theo thần tượng có mặt tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực nếu thanh, thiếu niên chưa biết cách lựa chọn điều gì đáng để học theo. Điều này đã đặt ra vấn đề cần phải định hướng văn hóa “thần tượng” cho giới trẻ.
La hét, reo hò, ôm nhau khóc lóc, sưu tầm tranh, ảnh, học theo phong cách của những người nổi tiếng… Đây là cách mà giới trẻ bày tỏ sự hâm mộ “thần tượng” của mình. Thần tượng một ai đó là quyền của mỗi cá nhân nhưng để thần tượng tác động như thế nào đến cuộc sống riêng của mình lại là điều cần cân nhắc.
Đứng trước làn sóng văn hóa giải trí ngày càng đa dạng, các thanh thiếu niên chưa có đủ nhận thức về kỹ năng sống, kỹ năng xã hội nên dễ dàng bị ảnh hưởng. Thậm chí có nhiều bạn trẻ quá thần tượng các ngôi sao ca nhạc mà học theo phong cách, lối sống của họ… Đối với việc này, cha mẹ không nên can thiệp một cách thô bạo cũng không nên làm ngơ, mà phải định hướng cho con em mình một cách đúng đắn.
Ở mức độ phù hợp, văn hóa “thần tượng” sẽ tạo ra những tác động tích cực tới thái độ, niềm tin, nhận thức và cảm hứng để các bạn trẻ phấn đấu rèn luyện, học tập, vươn lên trong cuộc sống. Dưới góc độ tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách và cả phong cách sống của giới trẻ. Vì vậy, đòi hỏi cần có những biện pháp phối hợp tích cực giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong tuyên truyền, nâng cao khả năng thẩm mỹ và nhân cách, đạo đức đối với giới trẻ.
Với tâm lý lứa tuổi, thanh thiếu niên chưa phân biệt được hết cái tốt, cái xấu; và với bản tính tò mò, thích khám phá cái mới, lạ, chưa biết tự kiểm soát và không được định hướng, sẽ dễ dàng bị hấp dẫn và học theo những lời nói, hành vi “lệch chuẩn” của những người nổi tiếng trên mạng xã hội. Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng là góp phần định hướng, điều chỉnh, hướng dẫn giới trẻ nhận biết được đúng, sai; từ đó có điều chỉnh nhận thức và hành động một cách đúng đắn.
Thu Hương - Trọng Khánh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.