Cần giải pháp đồng bộ để phát triển điện khí LNG tại Việt Nam
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng (LNG) sẽ đạt hơn 37.000 MW, tương ứng gần 25% tổng công suất nguồn điện. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hay quy định cụ thể cho việc phát triển điện khí LNG tại Việt Nam cũng như chưa có quy định hay tiêu chuẩn trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG.
Cũng theo các chuyên gia, trong các quy hoạch của các địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 2050 thì hầu hết đều chưa đề cập đến vấn đề phát triển điện khí LNG.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam cũng đang thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thỏa thuận giữa các chủ thể trong chuỗi dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng; vấn đề ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện khí LNG vẫn đang chờ cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét.... Những rào cản trên ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án điện khí ở Việt Nam.
Để giải quyết những vướng mắc trong phát triển điện khí LNG, các chuyên gia cho rằng, ngay năm 2024 Quốc hội cần có nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí LNG nhằm xóa bỏ những rào cản nêu trên, đảm bảo đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Bên cạnh đó, tất cả cơ chế chính sách đối với điện khí LNG đều phải tuân theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh, cả các yếu tố đầu vào lẫn yếu tố đầu ra./.
Thực hiện: Tiến Dũng – Lê Hải