Phải làm rõ sử dụng tài chính của công đoàn từ mức thu đề xuất 2% là vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Nhằm chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp, tại dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Tổng liên đoàn tiếp tục đề xuất thu kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Cũng theo tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chi tài chính công đoàn chiếm tỷ trọng nhiều nhất tại cấp công đoàn cơ sở, chiếm trên 73,2%; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chiếm 14,8%; cấp tỉnh, ngành chiếm 10,9%; tại cấp Trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoảng 0,7%. Như vậy, sau khi có Luật Công đoàn 2012, tỷ trọng chi được tập trung cho công đoàn cơ sở sử dụng với mục đích chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn, cũng như tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, Luật sửa đổi cần làm rõ một số nội dung như: tính độc lập, tự chủ của cán bộ công đoàn chuyên trách; Về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Đặc biệt làm rõ cách thức phân bổ và sử dụng kinh phí công đoàn và có cơ chế định kỳ kiểm tra, giám sát báo cáo tình hình quản lý, sử dụng nguồn kinh phí công đoàn 2%.
Đa số các Đại biểu đều tán thành việc thu 2% kinh phí công đoàn, cũng như phương án một của Điều 27 về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, tuy nhiêu yêu cầu các khoản thu, chi cần minh bạch và cụ thể hơn.
Về Quản lý sử dụng tài chính Công đoàn, các đại biểu đồng ý với phương án: Kinh phí công đoàn theo khoản 2 Điều 26 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, Dự án phải làm rõ nội dung chi tại cơ sở, nhất là cho công tác chăm lo trực tiếp cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần rà soát về cơ chế tài chính công đoàn để phù hợp với các công ước quốc tế Việt Nam là thành viên.
Đặt vấn đề hiện nay chỉ có hơn 19 % doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, đại biểu đề nghị Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cần phân tích, đưa ra những giải pháp để thu hút được người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn, làm cho tổ chức chính trị này ngày càng lớn mạnh./.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương - Kim Anh
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.