Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, nhiều ý kiến đề xuất nên tiếp tục duy trì nguồn quỹ này để chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Đại biểu Nguyễn Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động khi làm việc ở nước ngoài, đặt ra trách nhiệm xử lý và có biện pháp kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trách nhiệm trước hết từ doanh nghiệp dịch vụ và bản thân người lao động, thông qua đóng góp vào Quỹ này như một cơ chế dự phòng, khắc phục rủi ro. Vấn đề là làm thế nào để phát huy hiệu quả của Quỹ?
Tuy nhiên, cũng có những đại biểu nêu thực tế việc đóng góp vào Quỹ này làm tăng chi phí, gánh nặng cho người lao động. Trong khi đó, hàng năm phải chi tới 10% cho tổ chức bộ máy, vì vậy nhiều đại biểu đặt câu hỏi, có nên tiếp tục duy trì nguồn quỹ này hay không.
Khi đi lao động ở nước ngoài, người lao động đã phải đóng một khoản phí dịch vụ, trong đó có đào tạo, hỗ trợ nghề, dạy ngoại ngữ... do đó, một số ý kiến cũng đề nghị Quỹ không nên đặt mục tiêu đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề cho người lao động hoặc hỗ trợ tuyên truyền, vì sẽ trùng lặp với nhiệm vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Vũ Khuyên - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.