Cần mở rộng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Ngoài ra, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á. Để có thể hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã được ban hành và có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; hướng mạnh việc gắn nhiệm vụ khoa học và công nghệ với sản phẩm đầu ra, với thực tiễn và thị trường. Mặc dù vậy, các diễn giả cho rằng dù Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, song vẫn cần có sự hoàn thiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và phát triển bền vững trong thời gian tới, đại biểu cũng cho rằng, cần triển khai 5 giải pháp, đó là:
- Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới.
- Phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng
- Triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở
- Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng cường đầu tư về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện: Vũ Đào – Trọng Khánh