Video Tin trong nước

Cần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong sáng tạo nghệ thuật

Sáng tạo nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù và đã từng xảy ra nhiều vụ vi phạm, tranh chấp quyền sở hữu tác phẩm, đặc biệt trong nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh. Tuy nhiên điều đáng nói là thì nhiều nghệ sĩ Việt Nam hiện cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bản quyền và bảo vệ tác phẩm của mình.
16:04 - 28/04/2019

Rhapsody Philharmonic là một dàn nhạc giao hưởng trẻ chơi phá cách của Việt Nam từng gây sốt nhiều năm trước. Nhưng đã 5 năm nay, dàn nhạc không còn sở dụng cái tên này bởi một thành viên đã đi đăng ký bản quyền cả tên dàn nhạc lẫn logo, dẫn đến tranh chấp và Rhapsody Philharmonic phải đổi sang tên khác. Nhạc sĩ Lưu Quang Minh, người sáng lập Rhapsody Philharmonic (bây giờ đổi thành Maius Philharmonic) vẫn vô cùng tiếc nuối về sự việc đã xảy ra. Nhạc sĩ thừa nhận, chính sự thiếu hiểu biết trong vấn đề bản quyền và tâm lý “ngại va chạm” của một người nghệ sỹ đã khiến anh vô tình mất đi “quyền” với chính sản phẩm của mình và một tập thể các nghệ sỹ đã cùng anh vất vả dựng xây.

Không riêng nhạc sỹ Lưu Quang Minh, hàng loạt các vụ việc nổi lên thời gian qua như vụ kiện bản quyền giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và Công ty CP đầu tư tổng hợp truyền thông DS, hay trước đó là vụ kiện tác quyền “Thần đồng Đất Việt” hay bản quyền thơ “Tổ quốc gọi tên mình”... cho thấy lỗ hổng kiến thức pháp luật của các bên.

Để nâng cao kiến thức cho các nghệ sỹ về sở hữu trí tuệ, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa bộ môn này vào trường học. Bên cạnh đó, bản thân mỗi nghệ sỹ cần lên tiếng bảo vệ “đứa con tinh thần” của chính mình. Lên tiếng hoặc im lặng? đó là quyền của mỗi nghệ sỹ trong các sự việc. Tuy nhiên, rõ ràng việc để sản phẩm của mình bị đánh cắp, phần lỗi trước hết thuộc về bản thân mỗi người nghệ sỹ./.