Cần quy định cụ thể về nhiệm vụ và chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân
Quan tâm đến chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể được quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật, đại biểu Âu Thị Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân mới tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu: Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú… và một số chính sách hỗ trợ nhưng mới chỉ áp dụng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109 về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, song trên thực tế có rất ít nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được hỗ trợ bởi không đạt được các tiêu chí theo quy định tại Nghị định. Tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này, Ban Soạn thảo đã đưa ra nhiều quy định nhằm giải quyết các bất cập nêu trên. Tuy nhiên, đi kèm với đó thì cần phải quy định rõ hơn về nhiệm vụ và chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, dự thảo Luật đã quy định một số chính sách ưu đãi hỗ trợ cho nghệ nhân, tuy nhiên các chính sách này còn hạn chế về phạm vi hỗ trợ, thậm chí, một số chính sách không có nhiều ý nghĩa như việc hỗ trợ chi phí mai táng khi chết.
Trong khi đó, Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, bên cạnh lực lượng các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, thì lực lượng các nghệ nhân dân gian cũng có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ những yếu tố văn hóa dân gian, giữ lửa cho di sản. Tuy nhiên, hiện đối tượng này lại chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Về khái niệm chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, theo quy định trong dự thảo thì chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là rất rộng, không chỉ là nghệ nhân mà còn có cộng đồng, là nhóm người hoặc cá nhân khác kế thừa và sở hữu nắm giữ, thực hành, sáng tạo và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, nên phân định rõ hơn khái niệm này để khi đưa vào Luật thì phải đảm bảo sự phù hợp, tính toàn diện cũng như làm rõ được quyền lợi của những chủ thể này./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng