Video Tin trong nước

Cần quy định rõ chính sách tín dụng cho nạn nhân bị mua bán

Trong phiên thảo luận sáng 24/6 về dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định rõ các chính sách tín dụng cho nạn nhân bị mua bán như về vấn đề lãi suất, thời hạn vay, thời gian trả nợ, phương thức trả nợ.
22:01 - 24/06/2024

CẦN QUY ĐỊNH RÕ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG CHO NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN

Cho rằng, các chính sách hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân bị mua bán là rất nhân văn, tạo điều kiện để các nạn nhân sớm có công ăn việc làm ổn định, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhấn mạnh, ở điều 43 của Dự án luật chỉ quy định: nạn nhân mua bán người khi trở về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật là chưa rõ ràng và có thể khiến các nạn nhân không tiếp cận được chính sách này. 

Ngoài các chính sách hỗ trợ tín dụng cho nạn nhân bị mua bán, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh, cần có thêm các cơ sở hỗ trợ nạn nhân của loại tội phạm này. Thực tế, dù quy định về việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã có từ lâu, nhưng hiện chưa có địa phương nào thành lập cơ sở này mà vẫn đang giao cho các cơ sở trợ giúp xã hội của Nhà nước.

Một số đại biểu cũng đề nghị, bổ sung quy định giao trách nhiệm cho cơ quan mà đầu mối là cơ quan quản lý nhà nước về lao động của cấp huyện phối hợp UBND cấp xã nơi nạn nhân về cư trú trong việc theo dõi, hỗ trợ nạn nhân trong việc tái hòa nhập, hỗ trợ hiệu quả nhất cho nạn nhân đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên.

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022./.

Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng