Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nguồn nước
Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị Ban Soạn thảo cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước. Đồng thời, cần xác định rõ mục tiêu môi trường và xác định chất lượng nguồn nước. Đặc biệt, trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng của nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác, cần quy định sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo về mặt thẩm quyền.
Về các điều khoản quy định vấn đề kê khai đăng ký cấp phép tài nguyên nước, một số ý kiến đề xuất Chính phủ nên giao việc kê khai cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện với quy trình, thủ tục đơn giản để tạo thuận lợi cho người dân chấp hành quy định kê khai.
Nhắc lại ở Khoản 4, Điều 2 Luật Thủy lợi đã quy định: thủy lợi nội đồng là công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Tài nguyên nước lại quy định kênh, rạch, ao, hồ, đầm, phá là nguồn nước. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho rằng, cùng 1 vấn đề nhưng ở 2 luật lại có 2 quy định khác nhau, điều này cần sửa đổi để tránh chồng chéo.
Tại khoản 3, điều 59 của dự thảo Luật có quy định: Việc sử dụng nước thải và tái sử dụng nước được thực hiện theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cần quy định rõ, pháp luật về bảo vệ môi trường là gồm những luật gì để áp dụng thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, cần cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của cá nhân tổ chức được cấp giấy phép về tài nguyên nước do chưa có quy định về vấn đề này cũng như bổ sung phạm vi hoạt động của từng loại giấy phép./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng