Nhấn mạnh với 4000 năm lịch sử, số lượng di tích của Việt Nam là rất lớn. Năm 2001, Quốc hội đã ban hành Luật Di sản văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này. Tuy nhiên, sau 20 năm đưa vào thực hiện, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, một số điều khoản không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các quy định về bảo tồn di tích đang là vướng mắc lớn của các địa phương trong việc thực hiện một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn Hà Nội đề nghị, cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa để gỡ khó cho các địa phương.
Cũng liên quan tới vấn đề đầu tư liên quan tới các khu di sản thiên nhiên đã được Unesco công nhận, đại biểu Trần Việt Anh – Đoàn Hà Nội đề nghị không phân cấp về địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý di sản.
Tham gia giải trình tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, đây là một luật khó, chưa từng có tiền lệ, các nội dung sửa đổi chuyên sâu và ở các lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều bộ… Cơ quan soạn thảo đã cố gắng thực hiện đúng nguyên tắc chỉ sửa các điều khoản cơ bản mang tính chất độc lập, ít ảnh hưởng đến các luật khác. Ý kiến thảo luận của các đại biểu sẽ được bổ sung để trình Quốc hội xem xét trước khi thông qua.
Huy Vinh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.