Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra với dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đều cho rằng, việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra khi triển khai dự án để tránh tham nhũng, tiêu cực bởi đây là dự án được thực hiện theo cơ chế đặc thù, việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh.
Nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn về việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho dự án. Theo dự kiến, phương thức bố trí vốn của dự án này vẫn bao gồm vốn trung ương và địa phương. Trong đó, tỉnh Đắk Nông là 1.000 tỷ, Bình Phước hơn 1.200 tỷ. Nhiều đại biểu cho rằng đây là số vốn lớn, sẽ gây khó khăn cho địa phương, khó có tính khả thi và có thể ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Giải trình, làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định: các đại biểu có thể hoàn toàn yên tâm về nguồn vốn.
Về tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, quá trình tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, cũng được các ngân hàng đánh giá cao.
Về tiến độ của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian triển khai dự án là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được bởi đã được tính toán kỹ dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng