Theo đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với việc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ Tết đến nay, có hơn 1.000 ca mắc, các đơn vị liên quan cần tiến hành sơ kết lại xem tỷ lệ lây nhiễm từ F0 sang F1 và từ F1 sang F2 như thế nào, bởi nếu cứ xét nghiệm càng nhiều thì các bệnh viện càng lỗ, nếu cứ tiếp tục xét nghiệm thì gánh nặng cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ không chịu nổi.
Đồng quan điểm, đại diện Bệnh viên đa khoa Thu Cúc cho rằng, quyết định 3351 của Bộ Y tế đã mở rộng nhiều nhưng vẫn bị khó khăn cho công tác chỉ định xét nghiệm, quy trình gửi mẫu và đặc biệt về giá. Nhiều đơn vị cho rằng, những xét nghiệm hiện nay đều có chi phí hết hơn 2 triệu đồng/lần xét nghiệm, trong khi quy định thanh toán bảo hiểm chỉ được trên 730.000. Như vậy, nhiều bệnh viện sẽ không xét nghiệm, dẫn đến bỏ lọt những bệnh nhân không có triệu chứng.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội cho biết, thanh toán xét nghiệm Covid-19 đã có quy định tại Công văn 4051 của Bộ Y tế gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Cùng với đó, giá cả, quy trình thanh toán bảo hiểm xã hội cũng căn cứ theo 2 thông tư là Thông tư 13 và Thông tư 09 của Bộ Y tế, bảo hiểm không thể làm khác.
Hiện các bệnh viện mong muốn, căn cứ theo thực tế, có đến trên 63% bệnh nhân mắc Covid-19 không có biểu hiện triệu chứng, không có yếu tố dịch tễ. Nếu triển khai xét nghiệm rộng sẽ không được thanh toán bảo hiểm, trong khi Bộ Y tế không cho phép xét nghiệm thu tiền. Chưa kể đến giá khung do Bộ Y tế ban hành chưa sát với thực tế xét nghiệm. Tuy nhiên, do yêu cầu bắt buộc xét nghiệm theo chỉ đạo, nếu các bệnh viện phải xét nghiệm tiếp trong thời gian tới, ngân sách của bệnh viện sẽ không thể đảm bảo./.
Thực hiện: Cao Thắng - Quốc Hùng
Mời quý vị xem các Tin tức đã phát sóng tại đây./.